Tăng sắc tố da là tình trạng trên da xuất hiện các mảng màu tối hơn so với những vùng xung quanh. Dù không gây nguy hiểm nhưng tăng sắc tố da khiến đời sống và ngoại hình của phái đẹp gặp không ít bất tiện.
Đọc thêm: Sắc tố melanin là gì? Các bệnh lý liên quan đến rối loạn Melanin
1. Tăng sắc tố da là gì?
Khi sắc tố melanin ở lớp tế bào đáy sản sinh quá mức, các mảng màu nâu nhạt hoặc đen với nhiều kích thước và hình dạng khác nhau sẽ xuất hiện trên bề mặt da.

Tăng sắc tố da có nguy hiểm không? Tình trạng này thường vô hại nhưng có thể là triệu chứng của các bệnh lý khác do đó cần sự quan tâm chăm sóc để giảm thiểu tối đa các tác hại nếu mắc phải chứng tăng sắc tố da.
2. Các vấn đề thường gặp do tăng sắc tố da
Nám: biểu hiện ở gò má, sống mũi, cằm, trán, môi trên và các bộ phận tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời như cánh tay và cổ. Nám da có màu nâu hoặc xám nâu, chủ yếu xuất hiện ở người có làn da tối màu và thường rất khó điều trị hoặc phải điều trị trong thời gian dài. Nám đa phần xuất hiện ở phụ nữ ngoài 30 tuổi hoặc sau kỳ sinh nở và tiền mãn kinh.
Tàn nhang: là những nốt nhỏ li ti đường kính từ 1 – 5 mm phân bố không đều ở vùng mặt, cổ, ngực hoặc bàn tay, cánh tay, vv, có màu nâu sẫm, đỏ, đen, xám hoặc nâu nhạt tùy thuộc vào làn da mỗi người. Tàn nhang thường gặp ở những người có làn da trắng và ở bất kỳ độ tuổi nào.

Đốm nâu: thường xuất hiện ở dạng đồi mồi, là các đốm có kích thước không đều, lớn hơn tàn nhang khi sờ vào có cảm giác cộm tay. Đốm nâu khi mới hình thành thường nhẵn và theo thời gian, lớp sừng dày dần lên. Đốm nâu xuất hiện chủ yếu ở những người ngoài 40 tuổi do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
Tăng sắc tố sau viêm: xảy ra khi các tổn thương như mụn, vảy nến, hoặc bỏng, v v lành lặn.
Tăng sắc tố do thuốc: xảy ra khi da có tình trạng viêm và phát ban sau khi sử dụng thuốc hoặc hóa chất.
3. Các nguyên nhân gây ra tăng sắc tố da
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da là sự gia tăng sản xuất melanin. Melanin là một sắc tố có vai trò quy định màu sắc của da được sản xuất bởi các tế bào hắc tốt melanocytes. Lượng melanin không được kiểm soát tốt sẽ gây ra tình trạng rối loạn sắc tố.
Các điều kiện kích thích sản xuất melanin gồm có da bị tổn thương hay còn gọi là tăng sắc tố sau viêm, sử dụng thuốc hoặc hóa chất gây rối loạn nội tiết, thay đổi nội tiết tố, ánh sáng mặt trời và cả do di truyền.
Tăng sắc tố da do di truyền: xảy ra bởi cơ chế tự động sao chép DNA, từ đó hình thành nên nám da bẩm sinh.
Tăng sắc tố da sau viêm: sau khi những vết thương do mụn, vảy nến, chàm, bỏng vv lành sẽ xuất hiện những vết hồng, đỏ hoặc nâu đen phụ thuộc vào màu da mỗi người. Tình trạng này cũng xảy ra với những người vừa can thiệp thẩm mỹ bằng các liệu pháp như điều trị laser, mài mòn da hay tẩy da hóa học.
Tăng sắc tố da do thuốc: các loại thuốc hướng thần, chống loạn nhịp tim, thuốc kháng sinh hoặc một số hóa chất như retinol thoa có thể gây rối loạn nội tiết dẫn đến kích hoạt tế bào melanocytes sản xuất ra melanin khiến da trở nên sậm màu.

Tăng sắc tố da do thay đổi nội tiết tố: phụ nữ khi dùng thuốc tránh thai hoặc ở các giai đoạn như sau sinh, tiền mãn kinh hoặc mãn kinh sẽ bị cân bằng các hormone Estrogen và Progesteron khiến cho melanin sản sinh ra nhiều hơn, dẫn đến xuất hiện các đốm đậm màu ở 2 bên gò má.
Tăng sắc tố da do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời: tia UV từ mặt trời có thể thâm nhập sâu vào lớp biểu bì da kích thích tăng sinh melanin do đó các vết nám, tàn nhang sẽ xuất hiện nhiều và dày hoặc làn da sẽ xỉn màu rất nhanh chóng.
4. Tăng sắc tố da có điều trị được không?
Bằng cách chăm sóc da hàng ngày với các dược mỹ phẩm đặc trị, chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với các loại thuốc bôi trên da và những liệu pháp y khoa như peel da sinh học, điều trị bằng laser, ánh sáng xung cường độ cao hay mài da vi điểm thì tình trạng tăng sắc tố da có thể nhanh chóng được cải thiện.
Chăm sóc kỹ và thoa kem chống nắng quang phổ rộng hằng ngày
Kem chống nắng quang phổ rộng có chỉ số SPF từ 30 trở lên sẽ giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV, tránh tình trạng xỉn màu. Sử dụng tinh chất vitamin C kết hợp kem chống nắng vào buổi sáng sẽ tăng cường tác dụng bảo vệ da lên đến 4 lần bởi vitamin C có khả năng làm sáng da cực kỳ hiệu quả.
Khi ra ngoài trong thời tiết nắng nóng, các nàng phải ngăn chặn da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời bằng mũ trùm, khẩu trang, áo chống nắng, vv. Ngoài ra, nếu đang gặp tình trạng da mụn, hãy hạn chế chạm vào nốt mụn hoặc nặn để ngăn ngừa tăng sắc tố da hình thành do tổn thương.
Điều trị tăng sắc tố da bằng dược mỹ phẩm
Để kiểm soát tình trạng tăng sắc tố da, các nàng có thể sử dụng dược mỹ phẩm chứa các thành phần như Hydroquinone, Axit Kojic, Axit Azelaic, Axit Mandelic, Axit L-Ascorbic (vitamin C) bởi đây là những hoạt chất đã được chứng minh có hiệu quả điều trị tăng sắc tố và làm sáng da.
Các thành phần lành tính từ thiên nhiên như lô hội, chiết xuất cam thảo, trà xanh hay nha đam cũng có tác dụng chống oxy hóa, ức chế sản xuất melanin, kháng viêm từ đó giúp làn da trở nên rất khỏe mạnh và trắng sáng.

Thực hiện các thủ thuật chuyên khoa không xâm lấn
Nếu dược mỹ phẩm đặc trị tăng sắc tố da không đạt hiệu quả theo thời gian mong muốn, bạn có thể thực hiện các thủ thuật để cải thiện tình trạng nhưng phải có sự tư vấn của các bác sĩ da liễu như laser, tẩy da hóa học, liệu pháp IPL (Intensse Pulsed Light) hay lăn kim vi điển.
Laser: là phương pháp sử dụng chùm ánh sáng tập trung để phân hủy các hạt sắc tố trong da. Phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật viên có tay nghề cao và khá tốn kém về mặt chi phí tuy nhiên có tác động mạnh nhất để loại bỏ các đốm nâu đen trên mặt.
Tẩy da chết hóa học: là phương pháp loại bỏ các lớp da chết trên bề mặt giúp làn da bớt xỉn màu và trở nên sáng bóng, khỏe mạnh hơn; phải sử dụng hóa chất có nồng độ phù hợp để tránh gây bỏng hoặc kích ứng da. Tuy nhiên phương pháp này chỉ giúp bong tróc lớp da chết trên bề mặt chứ không loại bỏ tận gốc các đốm tàn nhàng, đồi mồi hoặc tổn thương sâu trong da.
Liệu pháp IPL:
IPL là công nghệ chọn lọc ánh sáng hướng đến một mục tiêu xác định mà không ảnh hưởng đến vùng da xung quanh. Trong liệu trình điều trị bằng IPL, bác sĩ sẽ điều chỉnh ánh sáng cường độ cao phù hợp với từng tình trạng da, ánh sáng này có khả năng thúc đẩy sản xuất collagen, nhờ đó các vùng da bị tổn thương hay những dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn sẽ được cải thiện.
IPL giúp làn da đều màu trở lại, loại bỏ hết nàm và tàn nhang nhờ ánh sáng với bước sóng có khả năng hấp thụ melanin, tuy nhiên liệu pháp này chỉ phù hợp với làn da trắng.
Lăn kim vi điển: là phương pháp sử dụng con lăn y tế bằng thép không gỉ, được bao phủ bởi hàng trăm gai nhỏ. Con lăn có tác dụng tạo ra chấn thương vi mô giúp kích thích sản xuất collagen. Phương pháp này hiện nay khá được ưa chuộng và thực hiện nhiều tại các cơ sở làm đẹp.
Xem thêm: Cơ chế ức chế Melanin giúp giảm thâm nám
Bài viết đã tổng hợp và cung cấp tổng quan kiến thức về tăng sắc tố da, một tình trạng tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng khá nhiều đến ngoại hình và cuộc sống của nhiều chị em phụ nữ. Chúng tôi hy vọng bạn sẽ nhanh chóng cải thiện được tình trạng này và sở hữu được làn da luôn rạng rỡ.
Nguồn tham khảo
Tài liệu nghiên cứu và thông tin liệu trình được cung cấp bởi www.physiodermie.com