Chất corticoid trong mỹ phẩm làm trắng sáng tạm thời nhưng hủy hoại da về sau. Xem ngay 3 cách nhận biết mỹ phẩm chứa corticoid để tránh “tiền mất tật mang”.
Chất corticoid trong mỹ phẩm gây tác dụng phụ khiến da giữ nước, căng mỏng, nhưng lại bị lầm tưởng là hiệu quả làm đẹp da. Tại Việt Nam, các sản phẩm chứa corticoid hiện được quảng cáo tràn lan với chiêu trò PR xóa nám, trị mụn, làm “trắng cấp tốc”. Thực chất những sản phẩm này cực kỳ nguy hại cho làn da và chỉ tạo hiệu quả “ảo” trong ngắn hạn. Hệ lụy sau đó là da bị tổn thương, teo da, giãn mao mạch,… khó phục hồi. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần “tỉnh táo” và lựa chọn sản phẩm chất lượng, cần nắm rõ biểu hiện da nhiễm corticoid và biết cách nhận biết loại mỹ phẩm “fake” nguy hại này.
1. Biểu hiện da nhiễm corticoid từ cấp độ nhẹ đến nặng
Được phát hiện và sử dụng trong hơn sáu thập kỷ qua, corticosteroid (hay thường được gọi là corticoid) được liệt vào danh sách những loại thuốc được kê đơn rộng rãi nhất trên toàn cầu. Thị trường tiêu thụ của corticoid ước tính lên đến hơn 10 tỷ đô mỗi năm.
Đây là minh chứng mạnh mẽ cho sự phổ biến của loại thuốc này. Nhưng kèm theo đó, việc sử dụng trái phép corticoid với liều lượng vượt mức cho phép trong các loại mỹ phẩm cũng tăng dần theo thời gian.
Tùy vào tình trạng da, tần suất, liều lượng và thời gian sử dụng sản phẩm có chứa corticoid mà mức độ tổn thương da sẽ khác nhau. Da nhiễm corticoid có thể chia thành nhiều cấp độ, phổ biến là 5 cấp độ được liệt kê từ nhẹ đến nặng như sau:
Cấp độ 1: Da khô ngứa do dùng corticoid với liều lượng thấp trong thời gian ngắn
- Da ở vùng thoa sản phẩm có cảm giác ngứa râm ran.
- Bề mặt da sần sùi nhẹ, khô.
Cấp độ 2: Chất corticoid trong mỹ phẩm gây viêm da cấp tính
- Xuất hiện nhiều mụn nước, không nhân trên bề mặt da, khi mụn vỡ có thể gây nhiễm trùng da, đau rát.
- Da ngứa châm chích, sần đỏ kéo dài.
- Thâm sạm ở vùng có mụn nước bị vỡ.
Cấp độ 3: Sử dụng corticoid trong một thời gian dài hệ mao mạch dưới da bị tổn thương
- Bề mặt da phù nề.
- Da có cảm giác châm chích, nóng rát.
- Mao mạch bị giãn nở bất thường.
Cấp độ 4: Da tổn thương nghiêm trọng
- Tăng tiết bã nhờn và da bùng phát mụn.
- Da ngày càng đau rát và ngứa ngáy hơn, ửng đỏ thường xuyên.
Cấp độ 5: Mức độ tổn thương da trầm trọng nhất
- Da bị bào mòn trong thời gian dài nên ngày càng mỏng yếu hơn, khô ráp, đóng vảy và bong tróc từng mảng lớn.
- Chất corticoid trong mỹ phẩm khiến da giãn mao mạch trên diện rộng.
- Mụn nổi viêm nặng, có thể xuất hiện tình trạng nhiễm trùng và hoại tử.
>> Xem thêm:https://physiodermie.vn/phuc-hoi-da-nhiem-corticoid-cung-bac-si-da-lieu/
2. Tác dụng của chất corticoid trong mỹ phẩm
Corticoid có tác dụng chống viêm mạnh, được sử dụng an toàn trong da liễu với chỉ định của bác sĩ để điều trị các bệnh như phát ban, viêm da tiếp xúc, eczema, vẩy nến,…. Loại dược phẩm này hoàn toàn không được phép tự ý dùng trong mỹ phẩm.
Tuy nhiên tại một số nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, việc sử dụng chất corticoid trong mỹ phẩm lại khá phổ biến. Các sản phẩm chứa corticoid không rõ nguồn gốc, được tung hô công dụng thần kỳ với những dòng quảng cáo hoa mỹ: chỉ một sản phẩm có thể làm trắng da, trị mụn, chống lão hóa,… cấp tốc. Kết hợp lời giới thiệu từ người thân, bạn bè, hàng xóm, người bán hàng,… cá sản phẩm này càng được ưa chuộng bởi chị em mong muốn đẹp da sau vài tuần, vài ngày.
Căng bóng da, trắng sáng nhanh
Chất corticoid trong mỹ phẩm, “kem trộn” kết hợp các chất tẩy mạnh được thêm vào nhằm làm da trắng sáng, căng bóng nhanh. Nhưng hiệu quả này thực chất là tác dụng phụ corticoid mỹ phẩm. Da tích nước bên dưới, nhưng lại bị bào mòn bên trên lộ lớp da non mềm mịn hơn bên trong. Lúc này da trông có vẻ đẹp hơn nhưng lại rất yếu, dễ kích ứng, dễ tăng sắc tố gây nám hơn. Ngoài ra, mao mạch cũng sẽ bị ảnh hưởng, mất dần độ đàn hồi và giãn nở, lộ rõ vân mao mạch gây mất thẩm mỹ.
Trị mụn viêm, sưng đỏ cấp tốc
Corticoid có thể giúp giảm nhờn, trị mụn viêm, mụn mủ nhanh chóng nhờ khả năng chống viêm tốt. Tuy nhiên, nó không giải quyết tận gốc và dùng lâu cũng sẽ gây tổn thương da nghiêm trọng. Khi dừng sử dụng sản phẩm, các triệu chứng sẽ quay lại, thậm chí nặng hơn trước. Không còn corticoid ức chế hệ miễn dịch, làn da sẽ bắt đầu ngứa rát, châm chích và “đòi hỏi” sử dụng sản phẩm chứa corticoid lại.
3. Cách nhận biết mỹ phẩm chứa corticoid đơn giản
Người tiêu dùng dần cảnh giác hơn với các loại mỹ phẩm chứa corticoid với bao bì gia công thủ công đặc trưng. Thế nhưng, hiện nay lại xuất hiện thêm nhiều loại kem trộn cao cấp. Các sản phẩm này bắt đầu chiếm lĩnh thị trường và dần thay thế “kem trộn truyền thống” với bao bì bắt mắt, trông vô cùng sang trọng. Giá của loại kem trộn mới này đắt gấp nhiều lần mỹ phẩm thông thường, thậm chí không thua kém các thương hiệu lớn, uy tín trên thị trường.
Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể nhận biết các loại mỹ phẩm này tương đối chính xác với các cách sau đây:
3.1. Nhận biết trực quan bằng mắt thường
Bạn có thể thông qua quan sát một vài đặc điểm dễ thấy để loại trừ những sản phẩm có khả năng cao chứa corticoid:
- Chất kem: thường hơi sệt, kết cấu đặc, có độ dính nhớt, lâu thẩm thấu, sau khi thoa có thể gây cảm giác bít tắc, nhờn rít. Bên cạnh đó, chất kem có thể lợn cợn không đồng đều do được trộn thủ công.
- Mẫu mã: “kem trộn truyền thống” có giá thành khá rẻ, thiết kế mẫu mã, nhãn mác sơ sài, thiếu các thông tin cần thiết như thành phần; nơi sản xuất, mã vạch; không có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền;… Các sản phẩm “kem trộn cao cấp” có thể đủ thông tin, nhưng cũng không rõ về thành phần, hoạt chất.
- Mùi hương: Sản phẩm có mùi nồng và hơi hắc, chứa nhiều kim loại nặng và chất tẩy nên cảm giác hơi chua. Tinh vi hơn, sản phẩm sẽ có chất tạo mùi hương nồng để che đậy mùi khó chịu của sản phẩm.
- Màu sắc: Thông thường, sản phẩm làm đẹp an toàn sẽ có màu trắng trong dịu nhẹ, không chứa các chất tạo màu độc hại. Còn các sản phẩm chứa corticoid có chất kem màu trắng ngả hồng, vàng kem hay màu hồng đậm,… Nhìn chung, màu sắc kem thường không đều.
3.2. Kiểm tra thông qua phản ứng trên da
Nếu trót mua và nghi ngờ có chứa chất corticoid trong mỹ phẩm bạn sử dụng, hãy thử thoa một lớp kem mỏng lên mu bàn tay, hoặc bôi một ít lên vùng da bị chàm/mụn/côn trùng đốt.
Nếu thấy khó chịu, châm chích, ngứa rát, mùi quá nồng, đặc biệt vùng da mụn, bị chàm hay côn trùng đốt lành rất nhanh, không ngứa, trơn láng thì bạn cần đề phòng. Khi dừng bôi sản phẩm vào 2 – 3 ngày tiếp theo, da lại ngứa rát, hoặc tệ hơn là kích ứng thì nên loại bỏ sản phẩm này.
3.3. Kiểm tra bảng thành phần và tham khảo ý kiến từ chuyên gia da liễu
Chắc chắn trên các lọ mỹ phẩm chứa corticoid sẽ không để trực tiếp tên hoạt chất này trong bảng thành phần. Thường nhà sản xuất sẽ sử dụng các tên gọi, dẫn xuất khác chẳng như Clobetasol, Hydrocortisone, Triamcinolone, Betamethasone, Fluocinonide, Dexamethasone, Mometasone, Prednisone, Desonide, Prednisolone,…
Nếu băn khoăn về sản phẩm, bạn có thể nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia da liễu, chuyên gia Physiodermie thông qua Hotline: 097 247 6664, hoặc nhắn tin trực tiếp ảnh sản phẩm/tình trạng da tại Fanpage Methode Physiodermie Vietnam.
Nếu làn da bạn đang gặp những tác dụng phụ do chất corticoid trong mỹ phẩm gây nên, hoặc nghi ngờ đang sử dụng sản phẩm có corticoid, hãy liên hệ ngay Physiodermie nhé. Các chuyên gia da liễu sẽ tư vấn cá nhân hóa và giúp bạn có quy trình chăm sóc và phục hồi da khoa học.
Nguồn tham khảo
Tài liệu nghiên cứu và thông tin liệu trình được cung cấp bởi www.physiodermie.com